Ứng dụng hoa văn Việt Nam trên quạt xếp giấy
Hình tượng hoa văn “Long Ngư Hý Thủy” trên chiếc quạt giấy cao cấp tuyệt đẹp.
Hóa rồng” là một giấc mơ danh vọng của người xưa muốn truyền nối cho con cháu muôn đời, thông qua rất nhiều hình thức: từ truyện kể dân gian đến những mô típ hoa văn ở nơi cao sang quyền quý như cung điện, nơi thâm nghiêm cổ kính như từ đường, đình chùa và dần đến cả những trang trí dân dã.
Trong mỹ thuật triều Nguyễn, biểu tượng cá hóa rồng trở thành đề tài trang trí phổ biến trên nhiều vị trí kiến trúc cung đình cũng như dân gian. Được thể hiện bằng nhiều chất liệu và hình thức biểu đạt khác nhau thông qua ngôn ngữ tạo hình của điêu khắc, biểu tượng này phản ánh ý nghĩa tâm linh sâu sắc, đồng thời góp phần tạo nên một nét đặc trưng của mỹ thuật triều Nguyễn và văn hóa Huế nói chung. Cá hóa rồng là đề tài được lưu truyền trong văn hóa dân gian của người Việt từ bao đời nay. Chúng đã trở thành biểu tượng của sự kiên trì, bền bỉ, cùng nỗ lực phi thường vượt qua thử thách, khó khăn để đi đến thành công.
Cá là con vật có thật, sống dưới nước và hết sức gần gũi, đi vào tâm thức của người Việt Nam với một ước mong giản dị, dân dã về sự no đủ, mang lại may mắn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, “trong tiếng Hán chữ “ngư” là cá với chữ “dư” là dư thừa đều có cách phát âm là “Yu”, rất giống nhau, cho nên cá còn mang biểu tượng của sự giàu có, sung túc…”. Trong Nho giáo, hình ảnh con cá gắn liền với câu chuyện kinh điển trong truyền thuyết, như cá hóa rồng hay cá vượt vũ môn, đều mang ý nghĩa: để đạt được thành công là cả một chặng đường gian nan thử thách, cần phẩm chất kiên định, nỗ lực vươn lên không ngừng, không từ bỏ những khó khăn. Con cá đã tượng trưng cho sức mạnh, lòng dũng cảm khi bơi ngược dòng nước, vượt qua vũ môn, để hóa thành rồng. Vì vậy, cá hóa rồng đã trở thành biểu tượng của tinh thần và khát vọng vượt qua các kỳ thi, chinh phục tri thức, nhằm đạt được thành tựu trên đường đời của nho sĩ. Bằng tri thức của mình, con người có thể thay đổi được thân phận, vị trí xã hội. Đây cũng chính là lý tưởng và khát vọng mà con người vươn tới.
Trong mỹ thuật triều Nguyễn TK XIX đến đầu TK XX, đề tài hình tượng cá hóa rồng xuất hiện ở rất nhiều di tích, điển hình như bờ nóc kiến trúc Di Luân Đường (Quốc Tử Giám), Thế Miếu, Hưng Tổ Miếu, trên mái điện Trùng thiềm điệp ốc của cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, trong các ô hộc ở cổng, cửa của Hoàng thành Huế. Hình tượng này được thể hiện với nhiều dạng thức, chất liệu: tượng tròn hoặc chạm khắc ở bình phong trong kiến trúc dân gian, đúc đồng hoặc tạo hình từ đá, gỗ, khảm sành sứ, nề vữa.
Bên cạnh các linh vật được trang trí một cách nghiêm ngắn, đối xứng trên kiến trúc cung đình, biểu tượng cá hóa rồng còn xuất hiện tại các kiến trúc dân gian. Ở đó, mỗi hình tượng cá đều được nghệ nhân bám sát vào tích chuyện dân gian và hiện thực cuộc sống nhằm biểu đạt tình cảm và tư duy chủ quan của họ. Điển hình là các kiểu thức: Lý khiêu long môn (cá gáy hóa rồng), Long môn điểm ngạch, Long ngư hoặc Lưỡng ngư hóa rồng, đều là biểu tượng của sự nỗ lực, can đảm, may mắn, thành công và chiến thắng. Bên cạnh những cặp tượng rồng, lân hay phụng có cấu trúc cầu kỳ và kích thước lớn, các cặp tượng cá, cá hóa rồng luôn khiêm tốn về vị trí và kích thước, thường nhỏ hơn và ở bên dưới các linh vật trên. Tuy nhiên, cấu trúc hình khối cá rất cô đọng, có tính chuyển động cao từ đuôi đến phần đầu lại làm cho cặp tượng cá luôn nổi bật. Mặt khác, chính sự cô đọng và đơn giản về khối lại mang đến điểm nhấn trong tổng thể bố cục kiến trúc giữa hằng hà các đề tài, hoa văn, bố cục trang trí, làm cho mắt người xem được ngưng nghỉ và tập trung chú ý vào đối tượng.
Ngôn ngữ điêu khắc và trang trí trở thành lợi thế vì vừa chứa đựng mỹ cảm riêng biệt lại vừa biểu đạt hết ý nghĩa tinh thần và tâm linh của biểu tượng. Ở đó có sự kết hợp cả yếu tố dân gian và cung đình. Các nghệ nhân đã chọn lọc những hình dáng cá đơn giản nhất, khi vận dụng vào tạo khối điêu khắc và trang trí, đồng thời linh hoạt thay đổi để phù hợp với tiết diện khác nhau của kiến trúc, như ô hộc, mái điện, hoặc trên cổng, cửa của công trình. Với đặc thù của ngôn ngữ điêu khắc và trang trí bên cạnh bút pháp tả thực và cường điệu, biểu tượng cá hóa rồng đã góp phần làm nên phong cách trang trí kiến trúc triều Nguyễn. Hình tượng cá hóa rồng bị chi phối bởi tư tưởng Nho giáo. Tuy nhiên, ở một số vị trí kiến trúc, cá hóa rồng lại chầu vào hoa sen ở giữa hay bên cạnh chữ Vạn, cây tùng, cây mai cùng với đề tài bát bửu, là sự biểu lộ tâm linh vào sự dung hòa cùng tồn tại của ba giáo lý Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Cho dù triều đình đã có những quy định nghiêm ngặt nhưng biểu tượng cá đã phản ánh phẩm chất tạo hình dân gian trong mỹ thuật cung đình. Đây chắc chắn là một chủ đề nghiên cứu cần được tiếp tục mở rộng và so sánh với các đề tài trang trí tương tự ở những giai đoạn lịch sử khác nhau và địa điểm khác nhau, ngõ hầu đem tới những kiến giải sâu sắc hơn về tư tưởng, tâm lý và thẩm mỹ tạo hình của cha ông ta.