ĐỎ MẮT ĐI TÌM NGƯỜI CHƠI TRANH
Đang diễn ra một câu chuyện buồn cười của giới mĩ thuật. Khi mà người ta hừng hực mở ra các trường đào tạo họa sĩ, khi mà các gia đình cho con em theo học ngành mĩ thuật khá nhiều thì chính lúc này đây đi tìm một người chơi tranh còn khó khăn hơn nửa thế kỉ trước.Nửa thế kỉ trước Hà nội chơi tranh?Dĩ nhiên số người chơi tranh lúc ấy có thể đếm trên đầu ngón tay dù họa sĩ Hà Nội là một lực lượng đông đảo nhất trên cả nước. Ngoài những họa sĩ tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã có ngay những họa sĩ kế cận được đào tạo từ trong kháng chiến trở về. Những tên tuổi về sau trở thành những trụ cột cho hội họa Việt Nam kể từ thập niên ’50 có thể kể đến là Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Mai Long, Đặng Đức, Thế Vị, Trịnh Kim Vinh…Người chơi tranh cũ ở Hà Nội lúc ấy đã tương đối nhiều. Những người chơi tranh ở Hà Nội thời Pháp thuộc phần lớn là các trí thức, bác sĩ, luật sư, công chức. Trong nhà thể nào cũng có một vài bức của các họa sĩ Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Vài người còn có cả những bức vẽ của các ông thày Pháp V.Tardieu, J.M.Inguimberty… Họa sĩ V.Tardieu còn để lại bức vẽ danh tiếng trên giảng đường Trường đại học Tổng hợp được ông thể hiện trong vòng sáu năm. Đó là bức tranh tường có lẽ lớn nhất Việt Nam. Tiếc rằng, cũng giống như mọi thứ của công trên đời, nó đã bị hư hại rất nhiều đến biến mất hẳn khi nhà trường cho quét vôi đè lên. Phải kể đến ông Đức Minh-Bùi Đình Thản là người có bộ sưu tập số 1. Cho đến tận bây giờ cũng chưa có ai vượt được ông về bộ sưu tập này. Ông Đức Minh có thể nói là người đầu tiên quan tâm một cách có hệ thống đến mĩ thuật Việt Nam từ buổi sơ khai. Ông từng sang Đấu xảo Paris mua về bức tranh lụa “Chơi Ô ăn quan” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Ông mua tranh của Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân từ ngày Hà Nội còn chưa tiếp quản. Sau hòa bình, nối tiếp niềm đam mê ông lần lượt sưu tập tranh của các họa sĩ lừng danh, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng và trở thành một Mạnh Thường Quân quan trọng nhất của giới mĩ thuật. Có thể nói bộ sưu tập của ông còn lớn hơn cả Bảo tàng mĩ thuật quốc gia vào những năm ông còn sống. Đó là còn chưa kể đến một lượng đồ cổ còn giá trị hơn thế nhiều lần. Cũng tiếc thay, khi ông qua đời, bộ sưu tập ấy tản mát về tay các nhà sưu tập khác. Gia đình chỉ còn giữ lại được một số ít.Theo gương ông Đức Minh ngày mới hòa bình còn có các nhà sưu tập quan trọng khác ở thế hệ tiếp nối. Ông Lâm cà phê (còn gọi là ông Lâm toét). Ông Tô Ninh ở Bộ ngoại thương. Ông Việt Chiến trung tá quân đội. Ông Bá Đạm là thày giáo. Ông Ngô Luân giám đốc Xunhasaba, Ông Nguyễn Mạnh Phúc kĩ sư mỏ và là nhà quay phim. Ông Phạm Văn Bổng ở Bộ nông nghiệp (còn gọi là ông Bổng nháy). Điểm đặc biệt của các nhà sưu tập này là họ đều phải bớt xén đồng lương công chức còi cọc cho niềm đam mê tốn kém này. Lúc ấy tranh tượng là thứ chưa có thể buôn bán một cách chính thức được. Các ông làm quen và thân thiết với các họa sĩ. Ông Lâm bán cà phê cho họa sĩ chịu tiền và cuối tháng trừ bằng tranh. Ông Bổng sẵn sàng đổi chai nước mắm vợ vừa sai đi mua cho họa sĩ để lấy một bức phác thảo tranh. Ông Mạnh Phúc sẵn sàng đổi ngay chiếc xe máy Peugeot 103 đang đi để lấy một bức tượng nhỏ. Ông Ngô Luân làm giám đốc Xunhasaba có cửa hàng bán tranh nhà nước nên được họa sĩ vì nể tặng khá nhiều tranh. Nên nhớ cho đến tận những năm 1990 cả nước chỉ có duy nhất cửa hàng Xunhasaba được phép bán tranh thu ngoại tệ. Ông Tô Ninh có xưởng sản xuất đèn dầu ở phố Hàng Thiếc khá giả hơn chút ít nhưng cũng chỉ dám mua những tranh không đắt tiền lắm.Những người chơi tranh thời chiến tranh bao cấp có thể nói hoàn toàn bằng đam mê chứ kiến thức thực ra chỉ vài người nổi trội. Nhưng như thế đã là may mắn lắm. Ở gia đoạn đói nghèo khủng khiếp, họ vẫn giữ được niềm đam mê ấy dù không bao giờ sinh lợi. Cái tình của họ với họa sĩ và mĩ thuật là điều không có gì phải bàn cãi. Nhiều họa sĩ đã rưng rưng khi xem lại bộ sưu tập tranh minh họa của ông Phạm Văn Bổng khi ông qua đời mới thấy được hết sự tận tâm yêu quí đến mụ mị quên mình của người chơi tranh. Ông kì công xin ở nhà in báo, xin các họa sĩ trình bày báo những bản minh họa vẽ tay nhàu nát mang về phun nước cho ẩm là phẳng, trình bày lên những tấm bìa cứng rất trang trọng. Tất cả được đóng vào hộp cứng ghi rõ tên từng tác giả.Ước vọng cả đời của các ông tiếc thay hầu như không ai được đền đáp. Đã không có một triển lãm nào đủ tầm cỡ cho bộ sưu tập khi các ông còn sống hay khi đã qua đời. Và phần lớn cho đến ngày nay thì những bộ sưu tập ấy hầu như tan rã. Thế hệ nối tiếp của gia đình các ông đã thiếu một thứ rất quan trọng không phải là tiền. Đó là niềm đam mê cái đẹp.Người chơi tranh Hà Nội bây giờCứ tưởng rằng diện mạo đô thị bây giờ đã muôn phần đổi khác theo xu hướng đẹp đẽ tiện nghi lên rất nhiều thì bên trong nội thất của nó sẽ có những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm mà không phải. Trình độ thẩm mĩ toàn dân không hề có một bước tiến nào cả. Các gallery mở ra nườm nượp hồi những năm ’90 giờ cũng thi nhau đóng cửa chuyển ngành nghề buôn bán. Có rất nhiều cửa hàng mở ra làm công việc đóng khung tranh và buôn bán họa phẩm nhưng phần lớn phục vụ thị hiếu bình dân. Cả con phố Nguyễn Thái Học với hàng vài chục cửa hàng làm khung tranh nhưng đã không thể tìm thấy một bức tranh nghệ thuật nào ở đấy. Người ta buôn bán những sản phẩm thủ công vẽ tay hàng loạt là chính. Vài nơi bán tranh rắc đá màu (gọi là đá quí?), nơi khác bán thư pháp chữ Hán lồng khung vàng chói lọi. Đó là còn chưa kể tranh ảnh Tàu tràn ngập với giá chỉ đắt hơn cái khung một chút thôi.Nói như thế không có nghĩa là Hà Nội đã hết người chơi tranh. Tuy nhiên cách chơi đã muôn phần đổi khác. Vài người có hiểu biết và có tiền cũng bắt đầu sưu tập tranh. Dạng này rất hiếm. Vài người sau khi đóng cửa gallery của mình cũng giữ lại một số tranh để chơi. Dĩ nhiên dạng sưu tập này hoàn toàn không có nghĩa là thưởng thức. Họ chỉ coi như một món tiết kiệm chờ lúc được giá sẽ bán nó đi. Một số quan chức nhà nước cũng bắt đầu được biếu tranh vào các dịp lễ tết. Tuy nhiên đã gọi là quà biếu thì có quà của anh nông dân và quà của chính họa sĩ. Không dễ để bỏ đi bức tranh anh nông dân mang tặng. Chính vì thế rất khó để sinh ra một nhà sưu tập đam mê nghệ thuật.Người có tiền và nhà cửa khang trang thường sẽ dừng việc sưu tập của mình lại khi thấy đã hoàn thành công cuộc trang trí nhà cửa. Dĩ nhiên hiểu biết của họ về hội họa cũng dừng lại ở đấy. Những người sưu tập tranh chuyên nghiệp bây giờ cũng không còn tác phong cởi mở quan hệ rộng như xưa nữa. Hầu như không bao giờ gặp gỡ bàn luận và hình như cũng ít khi cho người khác xem bộ sưu tập của mình. Thế nên gần như không thể biết được rằng ai đã sưu tập những gì và ở đâu.Thử tìm nguyên nhânHội họa là một ngành nghệ thuật hết sức quan trọng trong đời sống thị dân. Nó dùng thứ ngôn ngữ đi trực tiếp vào thị giác và suy tưởng mà không cần phải diễn dịch dù ở bất cứ đâu. Tiếc thay, hội họa cũng vô cùng bí ẩn và hình như không dành cho người kém hiểu biết. Ta có thể đọc một cuốn sách, nghe một bản nhạc, xem một bộ phim chí ít cũng thu nhận được già nửa nghệ thuật và câu chuyện mà nó kể. Một bức tranh nếu không phải được vẽ theo trường phái hiện thực thì cảm nhận của người xem không có kiến thức nhiều khi là một số 0 tròn trĩnh. Điều này có thể lí giải được khi mà nghệ thuật tạo hình Việt Nam trong suốt mấy chục năm trước chỉ có duy nhất một phương pháp sáng tác mà thôi. Đó là “Hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Tất nhiên nó không xấu. Nhưng nghèo nàn và phiến diện là điều khó tránh khỏi. Có đến hàng chục phương pháp khác nhưng vì sao lại chỉ chọn 1? Dùng con dao rựa vừa cạo râu vừa thái thịt chặt xương chẳng ai khen là giỏi cả.Một trong những nguyên nhân hàng đầu của việc thiếu kiến thức mĩ thuật có lẽ không ai là người không biết. Đó là việc giáo dục. Chúng ta đã không hề được tiếp cận với tác phẩm mĩ thuật trong suốt 10 đến 12 năm học phổ thông. Giai đoạn trưởng thành rất quan trọng của nhận thức thẩm mĩ. Đã không có một thày cô giáo phổ thông nào đủ trình độ để phân tích cho trẻ con vẻ đẹp của một bức tranh cụ thể. Bởi vì họ cũng là nạn nhân của sai lầm không được đào tạo để nói về việc đó. Trường sư phạm cũng dạy họ vẽ tranh y như trường mĩ thuật vậy.Một năm có đến hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp các trường mĩ thuật từ trung ương đến địa phương. Nhưng họa sĩ thực sự luôn dừng ở con số có thể đếm được. Phần lớn vô danh. Đến cái đại hội của Hội mĩ thuật Việt Nam cũng gặp những gương mặt lạ hoắc. Chẳng ai biết họ đã vẽ gì. Điều này nói ra có vẻ duy tâm nhưng hoàn toàn đúng, “Nghệ sĩ bắt đầu bằng thứ giời cho”. Học cũng không giải quyết được cái thiếu hụt mà giời chưa cho. Và như thế, dễ dàng để thấy rằng vấn đề của mĩ thuật Việt Nam là nằm ở người thưởng thức chứ không phải thiếu họa sĩ. 11-2015Bài viết của hoạ sĩ Đỗ Phấn( FB Do Ballantines)Tranh :Hoạ sĩ Nguyễn Phan ChánhHoạ sĩ Trần Văn CẩnHoạ sĩ Lưu Công Nhân