BÀI PHỎNG VẤN HỌA SĨ NGUYỄN TƯ NGHIÊM CÁCH ĐÂY TRÒN 20 NĂM
(Tạp chí Mỹ thuật số 24, tháng 12-1999. Số Đại hội Toàn quốc lần thứ V Hội Mỹ thuật Việt Nam)Quang Việt (thực hiện)
CUỐI ĐỜI, TÔI THẤY TỰ HÀO VỀ QUÁ KHỨ DÂN TỘCMỹ thuật (MT). Thưa họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, có một số nhà phê bình đã coi ông như là người mở đầu cho hội họa mô-đéc ở Việt Nam. Ông có thể cho biết ý kiến của ông?Nguyễn Tư Nghiêm (NTN). Đầu những năm 1970, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung mở triển lãm phiên bản chạm khắc đình chùa tại Viện Bảo tàng của ông. Triển lãm có ảnh hưởng đến một số họa sĩ và nhà điêu khắc.Cái mới của mỹ thuật Việt Nam, theo tôi, xuất phát từ “đình-chùa làng” mạnh hơn là đi vòng qua phương Tây.Có người hỏi tôi: “Ông lấy của Châu Âu hả?” Không! Tôi lấy ở đình làng.Có thể nhiều người thích tranh tôi. Mà dư luận đánh giá thì luôn có thiên kiến.MT. Ông vẽ mãi theo vốn cổ có thấy chán không?NTN. Phải thích thú thì mới có phát hiện. Vốn cổ của ta là có đủ.Lại có người xem tranh hỏi: “Ông vẽ lối nào? Phương Tây?” “Tôi chép lại vốn cổ – tôi trả lời – ấy là cái đình Nguyễn”…Điêu khắc đình làng phải nhìn toàn bộ mới thấy được, trích một mảng treo trên tường (nguyên bản hay ảnh chụp) thì không tham khảo được.MT. Vậy thì họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung có phải là “người thầy tinh thần” của ông không?NTN. Tôi nghiên cứu “đình chùa”, “Đông Sơn” (1) đã 45 năm nay, ai hiểu cho tôi chuyện ấy!Tôi không nhận Nguyễn Đỗ Cung là thầy tinh thần của tôi. Hình như đó là ý kiến của một tay người Mỹ…Ông Cung có tổ chức triển lãm về đình chùa, nhưng là mãi về sau này.Thực ra, cách đây trên nửa thế kỷ, chính họa sĩ Tô Ngọc Vân đã dẫn tôi đến thăm chùa Mía(2).Tôi còn nhớ ông Vân bảo lối tổ chức này (của chùa Mía) giống ở Huế. Ông Vân đánh giá cao tượng chùa Mía. Đối với vốn cổ ông Vân cũng có cùng một thái độ như vậy. Ông Vân treo tranh làng Hồ trong nhà, viết nhiều bài báo nói đến tranh dân gian. Về điểm này, nhà phê bình Thái Bá Vân đã viết sai.Tô Ngọc Vân hy vọng hội họa Việt Nam thành công bằng sơn mài – ông Vân là người có tính phục thiện, “mở”!Nguyễn Đỗ Cung thì bác sơn mài. Về tranh Tô Ngọc Vân, ông Cung bảo “chỉ ngửi đã thấy mùi mông”- mông đàn bà con gái (cười)- ông Cung là người “độc tài”, “đóng”!Ông Cung đả Tây, chống Inguimberty(3), cho Tây không bàn được về mỹ thuật cổ. Có lần ông Cung mời Jonchère(4) đi xem đình chùa.Cái đúng của ông Cung là cái đúng của người dân tộc chủ nghĩa- bài ngoại.Vả lại, tôi và ông Cung có “xung đột”- về chuyện cái mái nhà(5)…MT. Ông thấy những gì của nghệ thuật Trung Quốc trong vốn cổ Việt Nam?NTN. Ảnh hưởng của Trung Quốc? Cái đó là tất nhiên, nhưng Việt Nam vẫn là Việt Nam. Một nghìn năm Bắc thuộc mà có “con rồng” riêng của Việt Nam là rất giỏi rồi!MT. Đối với nghệ thuật phương Tây, ông đã tiếp thu thế nào?NTN. Tôi không thích “cổ điển”. Nghe nhạc cổ điển tôi không rung động. Múa “ballet” tôi không thích bằng chèo…Người ta vẫn giới thiệu tôi là họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Theo tôi, nhà trường chỉ có thể là nơi giúp cho các cá nhân có điều kiện học tập và làm việc.Về chuyện thi cử tôi quá chật vật, suýt trượt đến lần thứ hai.MT. Ông suýt trượt “mỹ thuật”? Hai lần?NTN. Vâng, quả đúng là như thế. Năm 1937, theo lời giới thiệu của anh trai tôi – ông Nguyễn Tư Văn, lúc đó đã đậu bác sĩ – tôi đến học vẽ ở nhà họa sĩ Lê Phổ.Mặc dù mới 15 tuổi, chưa hề biết “académie”, tôi vẫn quyết định thử thi vào Trường Mỹ thuật vì tin rằng mình có năng khiếu.Ở môn thi trang trí, ông Lê Phổ vẽ một con phượng (thứ phượng thêu trên áo gối) ném vào cho tôi. Kết quả là tôi trượt.Đến năm 1941, đang học trường Gia Long phố Phủ Doãn (học dở dang năm thứ 2 sang năm thứ 3, chưa đậu tú tài), tôi cùng Bùi Xuân Phái nghe nói họa sĩ Tô Ngọc Vân về Trường Mỹ thuật, lại có cả Georges Khánh(6) dạy, bèn rủ nhau vào học dự bị, lớp có khá nhiều học trò.Tô Ngọc Vân khen tôi lắm, cho 19 điểm rưỡi. Còn Inguimberty bảo “Nghiêm vẽ được”. Vậy mà lần thứ hai thi vào tôi cứ trượt! Năm ấy, Trường Mỹ thuật lấy 8 người, số 8 là cô đầm Francoise Lauviette, vẽ kém, học đến năm thứ 2, có Nhật vào thì bỏ. Còn một nhóm Hồng Kông di tản học trả tiền nữa.Tô Ngọc Vân đấu tranh: Nghiêm khá nhất sao lại đánh trượt? Và cuối cùng, tôi đỗ vớt số 9!Tôi “lên được” là nhờ Tô Ngọc Vân. Inguimberty thì quá cầu kỳ, mãi đến “thời kỳ Sơn Tây”(7) mới chú ý đến tôi. Gần ông Vân, tôi được tự do hơn. Ông Vân nói: Ông chỉ hướng dẫn học trò theo sở thích của từng người. Ông Vân rất chiều học trò. Phương pháp sư phạm của Tô Ngọc Vân là nhất.Inguimberty thì giỏi hơn cả trong số các họa sĩ Pháp ở thuộc địa, theo Tô Ngọc Vân “ông ấy là người vẽ trung thực”.Bây giờ tôi vẽ hoàn toàn khác với Trường Đông Dương. Các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Nam Sơn, Inguimberty có dạy tôi. Tô Ngọc Vân là thầy tôi nhưng tôi không chịu ảnh hưởng của Tô Ngọc Vân.MT. Ông đánh giá thế nào về vai trò của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đối với nền mỹ thuật Việt Nam?NTN. Hồi Pháp thuộc không có trường nhạc phải không? Không có trường múa? Vậy mà thế giới công nhận có kiểu múa Việt Nam…… Tôi công nhận vai trò đóng góp của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.Về công lao của Victor Tardieu( chẳng hạn đối với trường hợp cụ Nguyễn Phan Chánh thì đúng quá.Không biết có ai còn nhớ ngày giỗ ông Tardieu ngày xưa?Hồi ở trường, tôi chép “mặt tượng” bị zê-rô! Tôi vẽ từ 6 tuổi, nếu không có Trường Mỹ thuật tôi vẫn có thể trở thành họa sĩ. Tôi có thể học qua thư viện.Phái- Sáng hay có câu “Vẽ Bô-Da quá”.Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng và tôi đều đã thoát khỏi ảnh hưởng của nhà trường. Tôi quay về dân tộc.Trọng Kiệm có hỏi: “Tại sao các ông lại ơn Tardieu?”Hình như các họa sĩ học Pháp thì phục Pháp; các họa sĩ xã hội chủ nghĩa thì phục Picasso.Tôi nhớ có thời Picasso cũng phải kiểm thảo.Picasso phát biểu: “Tôi thì hiện thực quá, vẽ người thấy cả bên ngoài lẫn bên trong”. Picasso bác “trừu tượng”.MT. Ông có thể khẳng định một vài cá nhân nào không?NTN. Nguyễn Gia Trí bảo Tô Ngọc Vân giống Inguimberty là không đúng. Tô Ngọc Vân bóng bẩy hơn, nghệ thuật Tô Ngọc Vân có biến chuyển. Tôi thích Tô Ngọc Vân hơn Inguimberty mặc dù Tô Ngọc Vân học Inguimberty.MT. “Tô Ngọc Vân = Nguyễn Gia Trí + Inguimberty”(9) – Biểu thức này ông có đồng tình không?NTN. Sao lại lạ thế? Tô Ngọc Vân là nhân vật đáng kể hơn cả. Tô Ngọc Vân bị làm “giảm” nhiều, bị làm “giả” cũng nhiều. Tô Ngọc Vân xứng đáng là bậc thầy. Tô Ngọc Vân hơn Từ Bi Hồng, so với ngày xưa Từ Bi Hồng vẽ ngựa còn kém.Tô Ngọc Vân là người lạc quan. Hồi kháng chiến, những lúc chạy giặc trong rừng, ông Vân luôn bảo “Nó chỉ đánh một tí rồi nó lại rút thôi!”Ông Vân di tản rất gọn, mang theo cả tranh sơn mài, có một cái nhà bé tí teo đã thấy bày tranh. Ở đâu ông Vân cũng làm việc được…Sơn mài Nguyễn Gia Trí thì khỏi nói. Lụa Nguyễn Phan Chánh…MT. Thế ông nói gì về bức sơn mài “Con nghé”(10) của ông?NTN. Tôi có nhiều “con nghé”, phải hàng trăm bức, trên nhiều chất liệu. Tôi thay đổi luôn. Vì vẽ nhiều nên chưa xác định được.Khi vẽ “Con nghé”, tôi do dự lắm! Có lẽ chỉ là một cái, không phải là cái thích nhất.Picasso nói “Tranh đã ném đi rồi, người ta đem trả lại, như ông hoàng trở về” (cười).Tôi đang chuẩn bị in sách, có lẽ chỉ in tranh, không cần chữ…Tôi thấy cần xé đi nhiều bức tranh của tôi.MT. Vì sao lâu nay ông tách mình ra?NTN. Lớp trẻ nông nổi, tôi không hợp với họ. Tôi đã bày chung với một vài họa sĩ trẻ mặc dầu có người khuyên không bày.Tôi không đủ thích nghi (cả về đầu óc lẫn cuộc sống). Về lý luận, lớp trẻ viết nhanh lắm. Tôi mắt kém ít đọc.MT. Thế nghệ thuật ông có cần cuộc sống không?NTN. Tôi chưa đặt ra vấn đề ấy, nên khó trả lời.Tôi chỉ để lại những bước tìm tòi riêng của tôi cho sau này. Hầu hết những cái tôi vẽ bây giờ lấy tư liệu trong các sách lý luận Đông Y, chẳng hạn như của Hải Thượng Lãn Ông.Tôi lấy ví dụ: Năm tới là Canh Thìn, “Canh” thì màu trắng, khô hanh, “Thìn” thì màu vàng, ẩm thấp. Đó là quan điểm duy vật theo kinh nghiệm.MT. Ông có bao giờ băn khoăn về triển vọng của hội họa?NTN. Không nên nói về triển vọng. Cá nhân tôi vẫn tiếp tục đi vào vốn cổ.Cuối đời, tôi thấy tự hào về quá khứ dân tộc! “Hiện đại” không nên mượn của nước ngoài, quay về gốc rễ (đình, chùa) dễ hơn.Lớp trẻ vẽ quá phương Tây, qua thời gian sẽ trở lại, cũng tốt thôi. Nhưng phải nhớ mình là ai.Ta có thể bước sang hiện đại rất nhanh, không cần thiết phải làm cách mạng, vì ta đã có nhiều yếu tố gần với hiện đại mà Châu Âu phải trải qua bao nhiêu “đập phá” họ mới có.Một vài cuốn sách đả “Phục Hưng”, tôi cho là không nên. Bản thân tôi cũng đã xé đi nhiều cuốn sách như thế. Việt Nam có “trừu tượng” từ xưa. Như đã nói, Picasso phản đối trừu tượng. Trừu tượng phải chăng là hiện thực trá hình? Tôi chưa thấy một tên tuổi nào cả. Và cũng chỉ nên coi đó là một bộ phận của nghệ thuật mà thôi.MT. Về các nhà sưu tập và về tranh giả?NTN. Việt Nam ta khác các nước. Người xin tranh nhiều, người chẳng bán mà cho cũng nhiều. Nếu có mua thì giá rẻ lắm.Ông Đức Minh không phải là Mạnh Thường Quân. Ông Lâm Cà-phê cũng thế. Tôi vẫn sống chủ yếu bằng lương, bằng chế độ đãi ngộ của nhà nước.Ngày xưa ông “B. sưu tập” là bạn tốt, nay thì… Có lần ông B. đổi ti-vi lấy tranh tôi, nhưng ti-vi không dùng được.Tôi nghe nói ông Lâm Cà-phê sang Paris có cãi nhau về tranh giả với một người nào đó đã mua tranh trong bộ sưu tập của ông. Người ta làm giả tranh tôi nhiều, bày bán từ Nam ra Bắc, cả ở nước ngoài. Khách mua tranh họ có đến hỏi tôi luôn luôn về “thật, giả”, nhưng tôi không có thì giờ để tiếp họ.MT. Cuối cùng, ông có muốn nói một điều gì không?NTN. Bác Hồ là người biện chứng. Hồi kháng chiến, qua chỉnh huấn, tôi đã nhận thức được về nghệ thuật phục vụ “công-nông-binh”. Ở vào thời kỳ đó, như thế là biện chứng.Tôi muốn nhắc lại một câu Bác Hồ đã viết: “Tiền đồ dân tộc ta rất vẻ vang, tiền đồ nghệ thuật ta rất rộng rãi”(11).(Kết thúc câu chuyện, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã vui vẻ dẫn chúng tôi vào xưởng họa của ông để xem những bức tranh “Đông Y”. Và thể theo nguyện vọng của chúng tôi, ông còn ký tặng chúng tôi một hình nghiên cứu “rồng”. Ông nói: “Tôi đang vẽ. Tôi muốn để lại một phòng tranh, kiểu như một nhà bảo tàng nho nhỏ”).Chú giải:1. Tức Mỹ thuật Đông Sơn.2. Chùa Mía tên chữ là Sùng Nghiêm Tự, làng Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, xây dựng năm 1632.3. Inguimberty (Joseph): Họa sĩ Pháp, sinh ở Marseille 1896, mất ở Menton 1971; Giải thưởng Quốc gia Pháp 1924; giảng viên chính Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ 1925 đến 1945.4. Jonchère (Évariste): Nhà điêu khắc cổ điển Pháp, sinh ở Coulonges-les-Hérolles, Vienne 1892, mất ở Paris 1956; Giải thưởng Đông Dương 1932; hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ 1938 đến 1945.5. Trong khi thiết kế- xây dựng tòa nhà chính Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đã có nhiều ý kiến tranh luận trái ngược nhau, trong đó có vấn đề “cái mái nhà” của khu tiền sảnh.6. Georges Khánh: Nhà điêu khắc người Việt Nam, giảng viên điêu khắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ đầu những năm 1930.7. “Thời kỳ Sơn Tây”: Tháng 12/1943, do quân đội Mỹ (thuộc lực lượng Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II) ném bom xuống Hà Nội, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương phải sơ tán lên Sơn Tây, vùng trung du cách Hà Nội 50km.8. Tardieu (Victor): Họa sĩ Pháp, sinh tại Lyon 1870, mất tại Hà Nội 1937; Giải thưởng Quốc gia Pháp 1902; Giải thưởng Đông Dương 1920; người sáng lập và hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.9. Biểu thức này do họa sĩ Lê Thanh Đức đặt ra trong các cuộc trao đổi nghề nghiệp giữa các họa sĩ với nhau.10. “Con nghé” hay “Con nghé quả thực”: Tác phẩm sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác năm 1957, hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.11. Câu này trích trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gửi các họa sĩ – Nhân triển lãm hội họa năm 1951” (ngày 10 tháng chạp 1951).P/S: Bài viết cách đây 20 năm của NPBMT Quang Việt.Ảnh chụp nằm trong bài phỏng vấn này là ảnh chụp (ngày 19.01.2015) khi Tạp chí trò chuyện đầu Xuân Ất Mùi 2015 với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Bài phỏng vấn này sẽ đăng lại sau…
Bài đăng theo nguồn: Tạp chí mỹ thuật
Một bình luận
Alexandr
He Makes Money Online WITHOUT Traffic!
Most people believe that you need traffic to profit online…
And for the most part, they’re right!
Fact is.. 99.99% of methods require you to have traffic.
And that in itself is the problem..
Because frankly, getting traffic is a pain in the rear!
Don’t you agree?
That’s why I was excited when a good friend told me that he was profiting, but with ZERO traffic.
I didn’t believe him at first…
But after he showed me the proof, it’s certainly the real deal!
I’m curious what your thoughts are.
Click here to take a look >> https://bit.ly/3mOAfVp
Please view it before it’s taken down.