NHUỘM LỤA HAY VẼ TRÊN LỤA
(Một bài viết trao đổi về kỹ thuật vẽ tranh lụa rất hay của NPBMT Phan Cẩm Thượng nhân đọc bài “Tìm hiểu nguyên nhân sự xuống cấp của tranh lụa Việt Nam của Nguyễn Ngọc Quân”)
Kỹ thuật nhuộm màu trên lụa (hoặc chính xác hơn là vào lụa) có lẽ có trước việc vẽ tranh trên lụa, bao gồm cả nhuộm vải màu là việc bình thường của mọi sắc tộc mặc quần áo, thêu hoa văn. Việc nhuộm vải/lụa không đơn thuần chỉ là nhúng màu toàn bộ tấm vải/lụa mà còn có thể tạo hoa văn, đồ án tranh, để khi may thành quần áo, thì y phục có sẵn hoa văn trên đó. Nhưng người ta có thể vẽ trực tiếp lên quần áo sau khi đã may mặc, rồi có thể dùng chỉ màu thêu nổi lên, hoặc ghép các tấm hoa văn sẵn lên y phục… Kỹ thuật may mặc với việc nhuộm, vẽ, thêu đi song hành với nhau trong nhiều nền phục trang, đặc biệt ở châu Á, nơi nhiều triều đại phong kiến chuộng áo mũ rực rỡ, còn các sắc tộc chuộng hoa văn như là đặc trưng biểu tượng của sắc tộc mình.
Vẽ và viết chữ trên lụa và giấy xuất hiện ở châu Á ít nhất hai ngàn năm, tuy nhiên hai chất liệu này không thể tồn tại quá lâu, dù chính chúng là chất liệu rất bền, nếu bảo quản tốt và sử dụng đúng kỹ thuật. Giấy có tuổi thọ đến một ngàn năm, lụa có thể đến 700 năm. Trong lưu trữ phong kiến (thư khố, họa phổ), người ta cứ một thời gian nhất định lại tiến hành sao chép lại, nên có cả một khoa sao chép thư tịch và tranh. Trong quá trình này, người ta nhận thấy, tranh được bồi biểu nhanh hỏng hơn không bồi biểu, nên muốn giữ tranh giấy và lụa lâu, thì cuộn lại mà không bồi, hoặc chỉ bồi tạo khung đính nguyên bản tranh chữ một mép mỏng. Chất hồ dùng để bồi thường bị hủy trước lụa và giấy, kéo theo hủy hoại chất lụa và giấy. Tôi từng chứng kiến tranh lụa để trong kho lâu năm khi đưa ra vụn thành một đống, gồm những mảnh có màu nâu và xanh nhạt (đó cũng là tranh của danh họa, nhưng xin phép không nói ra).
Việc nhận định vẽ lụa là nhuộm lụa, không phải là kết luận của riêng tôi, mà là bài học được giảng dạy ở Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội qua nhiều thế hệ. Có điều rằng, họa sĩ không nhất thiết phải nhuộm màu kỹ lưỡng vào tấm lụa, mà cứ vẽ bề mặt, màu ngấm được vào bao nhiêu càng tốt, nên kết quả thường là mặt phải tranh có độ ngấm nhiều hơn, mặt trái màu hình lờ mờ hơn. Thực chất là màu có ngấm vào thớ lụa, nhưng ngấm đến đâu, hoặc chỉ đọng (dính lâu dài) họa sĩ ít quan tâm, vì kết quả thẩm mỹ của bức tranh đạt là được. Đây cũng là tình trạng chung của họa sĩ cho đến tận bây giờ.
Trong hệ màu vẽ với nước có từ cổ xưa là các màu tự nhiên, bao gồm cả loại hòa tan cao và loại ít hòa tan, phải vẽ bằng keo, nhất là các màu thạch thanh, thạch lục nghiền từ đá ngọc cứng. Còn hệ son từ đá son, thì độ hòa tan tương đối cao, có thể vẽ với nước tốt, các màu từ thực vật cũng có độ hòa tan cao, nhưng hay biến đổi theo thời gian. Màu nước (watercolour) được chế sẵn theo lối công nghiệp, bán cho họa sĩ, có độ hòa tan cao, săc nguyên và tươi, không trầm ấm như màu tự nhiên, nhưng tiện để vẽ. Họa sĩ Việt Nam rất chuộng màu nước của Liên Xô cũ, nhãn hiệu Leningrad. Độ hòa tan cao thì khả năng nhuộm vào lụa cao, độ hòa tan thấp, hoặc hoàn toàn không hòa tan, thì chỉ có thể vẽ dính trên bề mặt bằng cách trộn với keo dính, hoặc có kỹ thuật vẽ bằng keo, rồi rắc màu lên đó. Tranh lụa cổ truyền phương Đông nói chung không quá quan tâm đến việc vẽ nhuộm, mà coi tấm lụa chỉ là bề mặt để vẽ màu lên. Ở Việt Nam, vẽ theo lối rửa nhiều, vẽ đi vẽ lại nhiều lần, cho màu ngấm vào lụa, về thực chất bắt đầu từ các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Bảng màu tự nhiên vẽ giấy lụa cổ truyền tương đối phong phú, có thuật ngữ Hán riêng, tiếng Nhật cũng có tương tự và gần giống như thế. Riêng tiếng Việt, thì gọi theo tương quan (với vật khác) nhiều hơn. Đại hồng – đỏ cờ, Thự hồng – đỏ sẫm. Chu sa – son, Chu tiêu – màu cá vàng, hệ này có Chu tiêu – Nhất chu – Nhị chu – Tam chu – Tứ chu – Chu sa (từ nhạt đến đậm). Thự thạch – nâu đất, màu củ nâu sẫm hơn hoặc vàng hơn Thự thạch. Đằng hoàng – vàng nghệ, hoặc vàng hoa hòe, Hoa thanh – lam, chàm, Nhân chỉ – tía, huyết dụ, Thiết thái bạch – trắng thiếc, Tân thái bạch – trắng vôi. Thạch thanh – các hệ xanh ngọc biếc, xanh cổ vịt, xanh da trời, Thạch lục – các hệ lục từ màu lục lá sen đến lục diệp. Mực tầu – đen, có Tùng yên – đen nhạt, hơi nâu, và Dầu yên – đen bồ hóng… Độ hòa tan của các màu trên từ nguồn gốc vô cơ hay hữu cơ là tùy thuộc vào bản chất tự nhiên và khả năng điều chế. Riêng người vẽ, về lý thuyết, quan tâm đến ba vấn đề: độ no (độ bão hòa, hòa tan), độ tinh, và sắc độ (sáng tối, đậm nhạt), tuy nhiên quan tâm này chỉ cho trường hợp đặc biệt hoặc làm design, còn họa sĩ thì chỉ quan tâm đến cảm nhận, tương quan bằng mắt, thấy được là được, không phân tích gì về khoa học. Đương nhiên để hòa tan màu, phải nghiền nó (chủ yếu bằng tay) ra một cốc nước ấm, khi vẽ lụa (Trường Yết Kiêu) chú trọng đến việc rửa sau khi vẽ một thời gian nhất định (khi màu đã ngấm vào thớ lụa), việc rửa làm trôi đi màu bám trên bề mặt, sau đó lại vẽ tiếp cho no màu, nhưng rửa nhiều quá sẽ làm mất chất óng của tơ lụa, và thực chất người ta không cố gắng nhuộm ra cả mặt sau thớ lụa, nên tranh lụa chỉ đạt mặt trước. Cũng có vài họa sĩ chú ý mặt sau, và treo tranh giữa hai tấm kính, có thể xem cả hai mặt. Việc nhuộm được đến đâu cũng tùy thuộc vào chất lụa dày hay thưa, hay lụa thô, ganh to, giãn cách thớ lớn. Thậm chí họa sĩ Lê Thiết Cương có thời còn vẽ trên vải màn.
Họa sĩ Nguyễn Thụ vẽ lụa với độ màu mỏng phủ trên bề mặt, để lại nhiều mảng trống, trong khi đó họa sĩ Phạm Công Thành vẽ khá kỹ. Sau Nguyễn Phan Chánh có họa sĩ Mộng Bích là vẽ nhuộm lụa rất kỹ càng. Bà không chỉ dùng bút tròn, mà dùng cả bút bẹt để vẽ sơn dầu, cọ mạnh dìm màu vào thớ lụa. Tuy nhiên trừ mực tầu ra, hầu hết các họa sĩ sau năm 1954, dùng màu nước công nghiệp vẽ tranh lụa, cho đến gần đây màu tự nhiên được quan tâm trở lại. Hiện tại rất hiếm lụa tơ tằm nguyên chất để vẽ, lụa mới dệt pha sợi công nghiệp vẽ rất khó ăn màu.
Để nhuộm vải/lụa thông thường màu cần hòa tan ở mức như là nước màu, độ hòa tan và ngấm vào vải/lụa ở nước nóng hiệu quả hơn, nên người ta thường vừa đun, vừa nhuộm và sau đó xông, hấp bằng vài loại lá có khả năng giữ màu (như lá trầu không). Kỹ thuật nhuộm của người H’mong, Dao, Tày, Nùng, kỹ thuật Batic (Indonesia), Katazome (Nhật) cũng nhiều điểm tương tự. Hoa văn, hoặc chỗ trống có thể vẽ bằng sáp, hồ, rồi nhúng vải/lụa vào, chỗ không có sáp, hồ sẽ bắt màu, cứ thế vẽ, để trống chỗ nọ chỗ kia theo đồ án có sẵn, tạo ra đồ án trang trí. Họa sĩ Nhật Bản Toba Mika sử dụng kỹ thuật này để tạo các tranh lụa khổ lớn, gọi là kỹ thuật in, nhuộm Katazome. Bà từng trưng bày 3 lần ở Việt Nam với các tranh về chính đề tài vẽ về Việt Nam, bà vẽ, trổ nhiều khuôn tranh, đặt lên tấm lụa, rồi quét hồ vào chỗ trống, sẽ không bắt màu, chỗ có giấy sau bóc đi sẽ ăn màu, màu chìm trong thớ lụa, tranh có thể xem cả hai mặt. Nhưng để có lụa tốt, bà chọn từ các nong kén, lấy kén đôi (tằm kéo kén kép) sợi tơ dài và tốt hơn, lụa rất mịn, dai, khổ lớn.
Để nhuộm được lụa, thì màu phải hòa tan trong nước tối đa, màu nước kết từ dạng hạt, hạt này ở dạng vi phân sẽ chui được vào thớ vải/lụa, mức độ đến đâu là tùy thuộc vào kỹ thuật làm. Họa sĩ vẽ tranh không quá chú ý đến cái này, miễn là hiệu quả tranh đạt trên mặt phải của lụa, mặt trái thường nhạt hơn, như vậy màu đã chui vào thớ lụa, từ 1/3 đến 1/2 hoặc hơn. Họa sĩ có khi quay khung vẽ cả mặt sau tấm lụa. Như trên đã nói có những màu chỉ là vẽ nổi bề mặt hoàn toàn, hoặc ngấm rất ít. Đứng về mặt vật lý, thì hạt vật chất có thể chia nhỏ vô cùng, và xâm nhập được vào vật chất khác, có thể là rất rắn. Tất nhiên phải có điều kiện về nhiệt độ, áp lực và thời gian. Việc nhuộm vải/lụa quả thật cũng không dễ dàng, người ta phải ngâm vải/lụa trong màu, đảo nhuộm trong nước màu nóng, giặt để bỏ chất thô bám bề mặt, rồi lại tinh nhuộm. Chữ Nhuộm từ khái niệm Nhiễm (Hán), nghĩa là xâm nhập chất lỏng hòa tan vào một chất khác như giấy, vải, lụa. Dưới góc độ thuật ngữ hội họa thì điểm là vẽ các chấm, hoặc điểm xuyết những chỗ nhỏ cục bộ, nhiễm là vẽ mảng, lan tỏa, không nhất thiết bao hàm sự nhuộm sâu.
Những sắc tộc nhuộm chàm, thường ngâm vải trong chum chàm nhiều ngày. Thời gian ở bộ đội, tôi thấy, do giặt quần áo trong suối có độ tinh đá cao, nên nhiều bộ quân phục xanh, bạc màu đến trắng hoàn toàn, dù chúng được nhuộm công nghiệp khá tốt. Điều đó chứng tỏ sự nhuộm có thể thâm nhập màu vào sợi vải/lụa ở chừng mực nào đó, khi cái sợi đó mòn đi (do dùng, giặt), sự bạc màu, mất màu diễn ra, mặt khác phơi quần áo ngoài nắng, tia cực tím bẻ gãy các phân tử màu, cũng dẫn đến sự mất màu. Những bức tranh lụa mất màu cũng cần được xét do sự bám bề mặt yếu hay phân tử màu bị gãy do chiếu sáng. Về vẽ lụa, vấn đề là quan niệm thế nào về mức độ xâm nhập của màu vào lụa thì được gọi là nhuộm, hay vẽ bề mặt. Đương nhiên, vẽ tranh không giống như nhuộm nước nóng, độ ngấm, nhiễm không bằng nhuộm vải nước màu nóng, nhưng sự cọ sát trong độ ẩm nhiều lần, màu cũng xâm nhập vào thớ lụa, đạt độ bão hòa, cho tới khi không đưa được màu vào nữa thì đó là giới hạn cuối cùng. (Họa sĩ Mộng Bích thường làm đến mức độ này). Họa sĩ quan tâm đến ranh giới của độ bão hòa màu mà không làm mất chất óng của tơ lụa, thì dừng lại, còn gọi là nhuộm hay vẽ thì tùy, khái niệm không quan trọng gì cả.
Tôi đã tiến hành vẽ màu tự nhiên trên lụa và giấy dó nhiều năm, để chủ yếu vẽ tranh cho mình thích, và xem kết quả các màu tự nhiên, thuốc nước mới ngấm vào lụa và giấy dó thế nào. Tôi nhận thấy giấy dó Việt Nam (hàm lượng dó cao) khả năng thẩm thấu màu rất tốt, với điều kiện giấy để lâu năm có độ thư giãn, ngậm ẩm nhất định, màu phải được hòa tan rất cao, hiệu quả màu vào giấy gần như nhuộm giấy, nom không khác gì tranh lụa. Trong hệ màu tự nhiên, các màu có nguồn gốc cây cỏ như đằng hoàng, vàng hoa hòe, vàng nghệ, nâu vàng nước chè, chàm, củ nâu, mực tầu có độ hòa tan và ngấm tốt hơn. Các màu gốc đá non như son (chu sa và chu tiêu), cần mài kỹ lấy chất lắng đọng, độ ngấm vừa phải, còn lại đọng bề mặt. Các màu gốc đá ngọc thì hầu như không vẽ được với nước, mà vẽ với chất kết dính (keo) tức là vẽ trên bề mặt. Thuốc nước công nghiệp cũng tương tự, các màu vàng, nâu đất thuộc hệ nóng, vẽ ngấm hơn, các màu xanh thuộc hệ lạnh, độ ngấm kém hơn, vì bản thân chúng cũng được chế tạo từ vật liệu tự nhiên. Đây không biết có phải là lý do tại sao đại bộ phận tranh lụa thiên về gam hồng, nhiều hơn gam xanh. Quá trình vẽ nhiều màu ngay trên bề mặt, các màu hòa vào nhau có xu hướng xám và tối nền lụa sau một thời gian, khiến có thời sinh viên Trường Yết Kiêu nhận định tranh lụa trường ta thuần hai màu mắm tôm và nước dưa khú. Những xét trên được đúc rút từ quá trình sáng tác thực tế và sử dụng vật liệu. Còn tất nhiên, họa sĩ không phải nhà khoa học, anh ta chỉ quan tâm đến việc mình có thành tài không, bức tranh tự nhiên sẽ có bảo tàng, sưu tập, nhà khoa học bảo quản, còn nếu không tài năng gì, thì tranh đó vứt đi cũng được.
Phan Cẩm Thượng
Theo nguồn: Tạp chí mỹ thuật
2 bình luận
buy anabolic online
Thanks for the good article, I hope you continue to work as well.
Best Dating Site
smpp9f