Trúc Khê Ngô Văn Triện – Người mạnh dạn ‘phá bỏ’ ngôi làng Việt cũ
“Chúng ta cần phải gột rửa cái óc hủ bại cũ, nhận biết rằng vì chúng ta mà dựng ra cái làng chứ không phải vì cái làng mà sinh ra chúng ta”
Năm 1928, trong một bài viết với tựa đề “Ta nên phá bỏ cái làng cũ”, in trong “Hồn quê”, cuốn thứ nhất, nhà văn – nhà biên khảo Trúc Khê đã mạnh dạn đưa ra quan điểm, nên phá bỏ hẳn ngôi làng cũ đi mà xây một ngôi làng mới để canh cải, giúp ích cho dân.
Làng cũ là ngôi làng nào?
Theo Trúc Khê, đó “là cái làng tế lễ, là cái làng ngôi thứ, là cái làng ăn uống nhiều phiền phí xa hoa, tóm lại là cái làng có nhiều những đồi phong lệ tục, làm cho người ta cứ tranh nhau lục đục, làm cho người ta phải gánh vác cực nhục”. Ông khẳng định phương pháp “vì xây dựng mà phá bỏ” nghĩa là phá có chọn lọc, phá để xây dựng chứ không phải hồ đồ cái gì cũng phá.
Truy gốc về những “đồi phong lệ tục” ở trong làng, tác giả viết: “Tệ nhất là mỗi làng có một cái đình, mỗi cái đình tức là một cái trung tâm của sự hủ bại, biết bao nhiêu tục lệ khốn nạn đều ở đó mà đặt ra, nào tế lễ ăn uống, nào ngôi thứ khao vọng, toàn là những cái tục lệ làm khổ và làm ngu cho người dân cả”.
Ngô Văn Triện cho rằng, xét ra ở hương thôn ta mà mỗi làng có một cái đình để sinh ra những cái tệ tục ấy, là do từ đời Trần, ông Trần Thủ Độ đặt ra. Có sách chép rằng: “Ông Trần Thủ Độ bắt mỗi làng làm một cái đình để phòng khi vua có đi chơi thì ở đó, vì thế nên các đình ở làng nào cũng có chữ Thánh cung vạn tuế”.
Về sau nhân có đình rồi mới phong mỗi đình có một vị thần Thành hoàng, đặt ra ngôi thứ quan viên tế bái, hệt như một cái triều đình con, khiến cho người ta ai cũng lấy đó làm vinh mà tranh giành nhau, ngoài ta không có chí hướng gì cao xa thì triều đình được dễ cai trị.
Tác giả Trúc Khê liệt kê ra những tệ tục từ cái đình, làm cho ngu dân và làm cho dân phải nghèo khổ khốn nạn về nó. Mỗi làng có một cái đình, trong mỗi năm có bao nhiêu lần tế lễ: Tế minh niên, tất niên, tế xuân, tế hạ, tế thu, tế đông, tế ngày thần húy, thần đản, tế ngày thượng điền, hạ điền, tế cầu yên, cầu mát, tổn hại biết bao nhiêu rượu gạo trâu bò. Chưa kể những ngày đình đám, trong làng nào cũng thường có môt bọn kì dịch mối mọt, ỷ thần quyền, quan quyền mà cưỡng chế dân, chúng thường hay bầy ra những đình đám năm ngày, ba ngày để tiện dịp mà ăn cắp, ăn bớt, mà gá bạc lấy hồ, người dân vì sợ thần quyền và thế lực của bọn họ, không ai dám bàn trái bàn ngang, cứ việc òe vai mà gánh vác; mỗi khi trong làng vào đình vào đám, thường thường người dân phải chạy xác chạy xơ, chẳng những lo đóng góp với làng mà thôi, lại còn phải lo thết người quen biết xa gần đến làng mình xem đám nữa.
Phân tích những tệ tục ở hương thôn, Trúc Khê đưa ra bằng chứng về những tục lệ ăn uống khác như tục hôn thú, tục tang ma. “Hễ trong làng có người gả chồng cho con gái thì phải sửa xôi lợn ra đình để cả dân xóm xúm vào mà ăn. Trong làng có đám tang ma thì tục lệ bày ra là lắm ngạch ăn uống, quan tài người chết còn nằm đó mà suốt dân già trẻ nhớn bé cứ châu đầu lại cả mà ăn, thậm nỗi có làng người hiếu chủ không lo được cỗ để giả nợ bao nhiêu cái miệng đương ngong ngóng chờ, thì lệ định không cho được chống gậy đưa đám, ôi sao mà dã man hủ lậu quá đến thế.”
Trúc Khê nhận xét: Trong dân thôn ta có nhiều những cái tục lệ rất nặng nề phiền toái như thế, làm nghèo khổ cho người dân, trong dân thôn cũng có một số người biết là khốn khổ về tục làng, nhưng tập thượng đã quen, có một số ít người kiến thức muốn canh cải thì lại có một số nhiều kẻ hủ bại muốn bảo tồn, cho nên dân tục cứ còn nát nớt mãi. Dân tục cứ nát nớt mãi như thế thì dân tài cứ ngày càng kiệt mãi, dân trí cứ ngày càng ngu mãi, ta thử xa nghĩ cái tiền đồ của nước ta về mai mốt, sẽ ra làm sao, sẽ ra làm sao?
Xây ngôi làng mới thế nào?
Trúc Khê Ngô Văn Triện nhận định: Cái óc của người dân ta nó cảm nhiễm cái độc hủ bại của làng cũ quá nặng, đối với cái óc thụ bệnh ấy, để chữa chạy thì phải nạo cái óc đấy đi, rửa cái óc đấy đi. Muốn nạo, muốn rửa cái óc ấy thì phải phá bỏ hẳn cái làng cũ hủ bại mà xây dựng nên cái làng mới đẹp vậy.
“Phương pháp phá bỏ cái làng cũ thì xin định như sau này: Cái làng cũ nó có hai mặt, một mặt về chính trị và một mặt về phong tục. Mặt chính trị tức là về sổ sách dinh điền sưu thuế, mặt phong tục tức là về khoán ước tang tế quan hôn, bao nhiêu những cái hủ bại đều ở mặt phong tục cả. Nay về mặt chính trị nếu có tệ lậu ít nhiều thì ta chỉ sửa đổi đi mà thôi, duy về mặt phong tục thời bao nhiêu hương khoán, hương ước, giáp bạ giáp tịch từ xưa đến nay nhất thiết đốt bỏ cho hết mà giải tán cái làng phong tục đi. Người trong một làng cũ trừ ra về mặt chính trị còn có liên hệ một chút, ngoài ra không còn có tục lệ gì ràng buộc được nhau, không có ngồi trên với chiếu dưới, không có viên chức với bạch đinh, nhất thiết đều là người “bình đẳng”, người “tự nhiên” hết cả”.
Sau khi đã phá bỏ đi như thế, ngôi làng tổ chức lại theo cách sau:
Người trong làng cùng liên hợp lại như là vào chung một cái hội chứ không chia ra phe này giáp khác như trước. Người làng đã đến 18 tuổi mà có tên ở sổ đóng sưu mới được vào sổ này chứ không được như trước, vừa đẻ ra đã phải vào phe vào làng để đóng góp cho khốn khổ. Trong sổ ấy, sẽ cử lấy một Ban trị sự độ 36 người, cứ chiếu tên trong sổ, từ người 49 tuổi trở xuống mà cử, 3 năm mãn hạn lại luân lưu xuống vai dưới, hết lượt lại bắt đầu, những người 50 tuổi trở lên thì được miễn cử. Trong sổ làng không phân biệt ngôi trên ngôi dưới.
Phận sự Ban trị sự là coi về việc tế tự và việc tang ma ở trong làng, mỗi năm tại đình nhất định chỉ đặt ra hai kì tế xuân thu, còn các tuần tiết khác thì đều bãi bỏ.
Khi trong làng có người tạ thế, thì người tang chủ sửa cơi trầu đến trình với ông Trưởng ban trị sự và nói rõ ngày giờ xin cất đám, đến ngày giờ toàn Ban trị sự đem đồ nghi trượng của làng sắm sẵn mà đến đưa đám, đám xong trở về chứ không được ăn uống gì. Việc tang nhất thiết không được giết bò giết lợn ăn uống gì cả.
Đám cưới chỉ phải nộp hai đồng bạc vào công quỹ nơi mình trước bạ mà thôi. Sự tuần phòng trong làng thì cứ cắt lượt từ người 49 tuổi trở xuống, bất cứ người nào cũng phải đi tuần, ai không đi được mượn người đi thay.
Trong làng bầu lấy một hội đồng độ 6 người để hợp cùng Lí trưởng mà làm mọi việc công như thuế khóa, đạo lộ, giáo dục, tuần phòng và giữ việc thi hành khoán lệ. Trong làng đặt ra một cái công quỹ để lấy tiền làm vệc công ích, tiền ở quỹ ấy lo việc tang, việc hôn. Nếu làng nào không có ruộng công đất công thì nên đặt ra một thứ thuế riêng về ruộng đất trong làng để lấy tiền bỏ vào quỹ ấy.
Chính vì những lẽ đó, Trúc Khê kết luận: Chúng ta cần phải gột rửa cái óc hủ bại cũ, nhận biết rằng cái làng đó là vì chúng ta mà dựng ra cái làng chứ không phải vì cái làng mà sinh ra chúng ta. Thế thì cái làng dựng ra cốt để tăng thêm hạnh phúc cho chúng ta chứ không phải chúng ta sinh ra là phải hi sinh hạnh phúc cho cái làng. Vậy mà cái làng của ta hiện nay nó lại làm nặng nhọc được cho chúng ta, làm khốn đốn được cho chúng ta, thế thì tất nhiên ta phải phá bỏ đi để mà xây dựng lấy cái làng mới.
Bấy giờ thời cái hồn của nước ta nó mới có chỗ nương tựa vững chắc mà không đến nỗi dở mê dở tỉnh vướng vất phất phơ, cái trí đấu tranh của dân tộc nó mới mỗi ngày một phát đạt mạnh ra, con đường tiến bộ của người mình mới có thể một ngày nghìn dặm, ruổi nhanh bước mau, đặng ganh đua với các nước ngoài mà mở mày mở mặt cho non sông Tổ quốc.
“Hồn quê” cuốn thứ 1, thứ 2 in năm 1928, do Trúc Khê thư cục xuất bản và giữ bản quyền. Đây là 2 tập tạp văn có nhiều bài viết rất giá trị của nhà văn – nhà biên khảo Ngô Văn Triện. Có lẽ từ ý tưởng ban đầu về “Phá bỏ cái làng cũ” trong Hồn quê 1 này mà đến năm 1943, Ngô Văn Triện cho in cuốn “Vấn đề cải cách Lễ tục Việt Nam: Gia lễ xưa thế nào, nay nên thế nào”, 102 trang do Nhà in Lê Cường xuất bản. Cuốn sách được giải nhất trong cuộc trưng văn của hội Uẩn Hoa hồi đầu năm 1941, mà phần thưởng có bức sơn son thếp vàng “Hữu công danh giáo”, tức là có công với danh phận lễ giáo.
Nguồn: Nongnghiep.vn