NGHỆ THUẬT

Phỏng vấn hai giám tuyển của triển lãm “Mai Thứ – Tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ”

Triển lãm “Mai Thứ (1906-1980) – Tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ” đã được Bộ Văn hóa Pháp trao danh hiệu ”Triển lãm tầm ảnh hưởng quốc gia”. Triển lãm được tổ chức đúng vào lúc mà danh tiếng của họa sỹ trong giới mua bán đấu giá đã vượt rất xa so với tiếng tăm trong công chúng.

Triển lãm “Mai Thứ (1906-1980) – Tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ”, diễn ra từ 16.6 đến 24.10.2021 tại Bảo tàng Ursulines, thành phố Mâcon (thuộc vùng Nam Bourgogne, Pháp). Trước khi triển lãm khép lại, Thụy Phương – cộng tác viên của Art Republik Việt Nam tại Pháp đã có một cuộc trò chuyện với hai nữ giám tuyển của triển lãm này, bà Michèle Moyne-Charlet, Quản thủ bảo tàng, Giám đốc các Bảo tàng thành phố Mâcon, và bà Anne Fort, Quản thủ các bộ sưu tập Việt Nam, Trung Á, Bảo tàng Cernuschi, Bảo tàng nghệ thuật Á châu của Paris.

Thụy Phương: Ý tưởng nào hình thành nên triển lãm này thưa bà?

Michèle Moyne-Charlet: Khi tôi đến Mâcon vào cuối năm 2017, tôi đã khám phá ra họa sỹ này qua bức tranh ở nhà thờ Saint-Pierre và thông qua lưu trữ của bảo tàng. Đó thực sự là cú “sét đánh” và ngay lập tức tôi bị cuốn hút bởi chất thơ và sự dịu dàng toát ra từ họa phẩm của ông. Công việc chuẩn bị cho triển lãm rất công phu, diễn ra trong hai năm. Phải chọn các tác phẩm rồi đưa con gái họa sỹ cùng thảo luận, việc lựa chọn rất khó nhưng cần thiết. Phải chuẩn bị ngân sách để hội đồng thành phố phê duyệt, soạn thảo thỏa thuận hợp tác với bảo tàng Cernuschi. Con gái họa sỹ giúp chúng tôi tiếp cận với các bộ sưu tập và tra cứu lưu trữ cá nhân của họa sỹ và của gia đình.

Bà Michèle Moyne-Charlet, Quản thủ bảo tàng, Giám đốc các Bảo tàng thành phố Mâcon. © Elisabeth Blanchet

Thụy Phương: Theo bà, một triển lãm về họa sỹ Mai Trung Thứ đã xuất hiện đúng lúc như thế nào khi mà các cuộc bán đấu giá tranh về giai đoạn Đông Dương thuộc địa đang nở rộ như hiện nay?

Anne Fort: Cuộc triển lãm này ra đời được là nhờ vào công sức và mong muốn của bà Mai Lan Phương, con gái họa sỹ, vì bà muốn sự nghiệp hội họa của cha mình vượt ra ngoài khuôn khổ những cuộc mua bán đó. Bà đã tiếp cận với Bảo tàng Cernuschi ngay từ năm 2016 bằng cách tặng bức tranh lụa ”Tắm ao” vẽ năm 1962. Bà Mai Lan Phương đã nhận thấy là tác phẩm của cha mình chỉ được biết đến thông qua bán đấu giá khi mà hội họa Việt Nam thế kỉ 20 bắt đầu tạo tiếng vang từ thập niên 1990 với việc giá tranh không ngừng tăng lên. Đây không còn là một hiện tượng mới mẻ nữa nhưng những năm gần đây, giá tranh tăng đột biến, thu hút sự chú ý của giới sưu tầm và các nhà buôn có ý định tìm ra các tác phẩm mới để mua bán.

Người mua các tác phẩm hội họa Việt đa số đến từ Á châu, vì vậy, các họa phẩm đang và sẽ rời khỏi Pháp. Cuộc triển lãm này chính là thành quả từ nỗ lực chuẩn bị, tư liệu hóa, thu thập tranh và mong ước của con gái họa sỹ để công chúng được biết đến ông một cách toàn diện hơn chứ không chỉ là việc tên ông xuất hiện trong các cuốn vựng tập bán đấu giá. Và triển lãm được tổ chức đúng vào lúc mà danh tiếng của họa sỹ trong giới mua bán đấu giá đã vượt rất xa so với tiếng tăm trong công chúng.

Bà Anne Fort, Quản thủ các bộ sưu tập Việt Nam, Trung Á, Bảo tàng Cernuschi, Bảo tàng nghệ thuật Á châu của Paris

Thụy Phương: Hành trình nghệ thuật của danh họa kết hợp giữa truyền thống và hiện đại như thế nào, theo bà?

Anne Fort: Tình hình chính trị và kinh tế Việt Nam vào giai đoạn tuổi trẻ của Mai Trung Thứ cũng góp phần tạo nên âm hưởng bước đường nghệ thuật của ông. Vào thời đó, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân Tây phương, các quốc gia châu Á hiểu rằng họ sẽ phải tiến hành những thay đổi quan trọng để dành lại độc lập. Nghệ thuật cũng như kinh tế, xu hướng lúc đó là học hỏi kỹ nghệ Tây phương.

Mai Trung Thứ, sinh viên khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương, khao khát học các kỹ thuật và lịch sử nghệ thuật phương Tây để hiện đại hóa nền nghệ thuật nước nhà. Không những ông muốn như vậy mà ông buộc phải làm như vậy, vì một trong các nguyên tắc đào tạo ở Trường Mỹ thuật Đông Dương là sinh viên phải sáng tạo nên ”một thứ nghệ thuật An Nam hiện đại”. Khó khăn nhất nằm ở việc cân đối giữa gìn giữ truyền thống hội họa cổ truyền và mở ra một thị phần khách hàng người phương Tây.

“Một khán giả Việt nhận thấy rõ rằng Mai Trung Thứ rất hiện đại…Tuy nhiên, một người phương Tây lại gắn kết tranh lụa, không gian decor và các nét nhân vật với một châu Á bất biến không cần đến bối cảnh lịch sử và địa lý chính xác.” – Anne Fort

Danh họa hiểu rõ truyền thống và những xu hướng hội họa hiện đại phương Tây đương thời. Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp tại Việt Nam trước 1937, lúc thì ông khai thác họa mục Việt truyền thống, lúc thì ông sử dụng ”bảng màu” theo gu Tây phương, tạo ra các họa phẩm trên lụa mang chủ đề truyền thống Á Đông, trên sơn dầu về phong cảnh Việt Nam hay những bức chân dung hiện đại. Giai đoạn này thể hiện bởi sự phong phú về kỹ thuật và có thiên hướng về chủ đề phụ nữ.

“Baignade”, Vanves, 1962. Màu trên lụa và khung gỗ sơn mài mạ vàng. Món quà của bà Mai Lan Phương tặng Bảo tàng Cernuschi, nằm 2017. Nguồn: cernuschi.paris.fr

Thụy Phương: Đâu là những chủ đề hay motif ưa thích nhất của ông ? Chúng có thể hiện tính hiện đại không?

Anne Fort: Hình tượng phụ nữ là chủ đề tiêu biểu nhất của danh họa. Dù là vẽ trên sơn dầu khi còn ở Việt Nam, hay trên lụa khi sang Pháp từ 1937, chủ đề này, quen thuộc với con mắt Tây phương, còn lạ lẫm với con mắt Việt vào đầu thế kỉ 20.

Hội họa truyền thống Việt Nam chỉ tái hiện người phụ nữ trong các chân dung về tổ tiên. Thời đó, chưa hề có chân dung một thiếu nữ vô danh được vẽ chỉ để mãn nhãn người xem tranh. Vì thế, phong cách của Mai Trung Thứ được nhìn nhận rất khác nhau tùy thuộc vào con mắt của người Việt hay người Tây.

Một khán giả Việt nhận thấy rõ rằng Mai Trung Thứ rất hiện đại : motif phụ nữ vô danh, thiếu nữ, phúng dụ, khổ tranh cũng không theo khuôn mẫu của hội họa truyền thống Việt. Tuy nhiên, một người phương Tây lại gắn kết tranh lụa, không gian decor và các nét nhân vật với một châu Á bất biến không cần đến bối cảnh lịch sử và địa lý chính xác.

Đó thực sự là cú “sét đánh” và ngay lập tức tôi bị cuốn hút bởi chất thơ và sự dịu dàng toát ra từ họa phẩm của ông. “ – Michèle Moyne-Charlet

Thụy Phương: Khi định cư tại Pháp, bỏ tranh sơn dầu và tập trung tranh lụa, họa sỹ đã phát minh ra một thứ truyền thống. Bà giải thích điều này như thế nào?

Anne Fort: Khi đến Pháp, ông chọn hướng này để phân biệt mình với các họa sỹ khác vì tranh lụa là một kỹ thuật khó mà các họa sỹ Pháp không thành thạo. Nhờ thế, Mai Trung Thứ đã ”lôi cuốn” được một nhóm khách hàng bị thu hút bởi ánh màu toát lên từ lụa và bởi những chủ đề gợi liên tưởng đến miền đất xa xôi. Ông được coi như một họa sỹ Việt truyền thống, thế nhưng ông cũng biết tạo ra một thứ trò chơi sắp xếp, kết hợp các yếu tố Đông và Tây, nhưng những người chơi tranh không chuyên ở Pháp lại không phân biệt được rõ ràng, vì họ thiếu thông tin về các quy tắc của hội họa truyền thống Á châu.

Nghệ thuật của ông là một thứ nghệ thuật của sự thanh tao, kín đáo và tinh tế” – Anne Fort

Thụy Phương: Một trong những sự kiện cao điểm của triển lãm là ngày học tập. Mục đích của ngày đó là gì? Nó đã diễn ra như thế nào?

Michèle Moyne-Charlet: Mục đích của ngày học tập nhằm đào sâu một vài phương diện trong cuộc đời họa sỹ, ví dụ hoạt động âm nhạc của ông. Ngày học tập cũng giúp định vị lại sự nghiệp của ông trong bối cảnh rộng hơn, của hội họa và kiến trúc của các cựu học sinh Trường Mỹ thuật Đông Dương ở thập niên 1930.

Bích họa của Mai Trung Thứ trong nhà thờ Saint-Pierre ở Mâcon, năm 1941. Ảnh: Sơn Ca

Thụy Phương: Với tư cách là chuyên gia về hội họa Đông Dương thuộc Pháp, bà định nghĩa như thế nào về nghệ thuật của Mai Trung Thứ?

Anne Fort: Nghệ thuật của ông là một thứ nghệ thuật của sự thanh tao, kín đáo và tinh tế. Sau đó là sự thuần thục về kỹ thuật hình họa, màu sắc và bố cục. Các nhân vật ban đầu nhìn tưởng như ngây thơ, nhưng nếu ngắm kỹ và so sánh giữa chúng với nhau thì ta sẽ nhận ra sự xuất sắc về kỹ thuật của danh họa. Cuối cùng, qua vài họa phẩm, tĩnh vật hay những nhân vật đứng một mình, chúng ta thấy lộ ra cá tính của một người đàn ông trung thực, hài hước, có kiến thức bài bản về nghệ thuật của các bậc thầy châu Á cũng như châu Âu. Khi phong cách đã được định hình, Mai Trung Thứ trung thành cho đến cuối đời.

Thụy Phương: Hai Bảo tàng Cernuschi và Ursulines đã làm việc với nhau như thế nào để cùng tổ chức triển lãm này?

Anne Fort: Ý tưởng của triển lãm đến từ bà Michèle Moyne-Charlet, Giám đốc Bảo tàng Ursulines, vì bà muốn nêu bật mối liên hệ đặc biệt của họa sỹ với thành phố Mâcon, nơi ông đã sống trong 2 năm 1940 và 1941. Bà Moyne-Charlet đặt vấn đề trực tiếp với Bảo tàng Cernuschi và con gái họa sỹ để cùng nhau tiến hành. Công việc chuẩn bị rất khó khăn vì cấm túc trong nhiều tháng. Chúng tôi rất tự hào vì triển lãm đã đạt được danh hiệu ”Triển lãm tầm ảnh hưởng quốc gia”, được Bộ Văn hóa Pháp trao hàng năm cho một vài cuộc triển lãm đặc biệt nổi bật và mang chủ đề hoàn toàn mới.

Ảnh tư liệu Mai Trung Thứ và vợ về thăm lại gia đình Combeau ở Mâcon năm 1954.   Bút vẽ, bảng màu, phác thảo của bức bích họa tại nhà thờ Saint-Pierre tìm thấy trong thùng các tông bị bỏ quên được trưng bày trong triển lãm Mai Trung Thứ. Ảnh: Sơn Ca

Thụy Phương: Khách tham quan là những ai ? Số lượng ước tính bao nhiêu thưa bà?

Michèle Moyne-Charlet: Khách tham quan đến từ khắp nơi trong nước Pháp, nhưng đông đảo nhất đến từ Lyon và Paris. Khách địa phương lân cận cũng có mặt. Chúng tôi ước tính khoảng trên 5000 khách.

Thụy Phương: Đánh giá của bà về cuộc triển lãm này như thế nào? Nó có thành công không? Nó đem lại gì cho bảo tàng của bà và thành phố Mâcon?

Michèle Moyne-Charlet: Cuộc triển lãm thực sự là một thành công : phản hồi của khách tham quan rất tích cực. Sự nghiệp của Mai Trung Thứ đã cuốn hút công chúng và khuyến khích nhiều người khám phá thành phố Mâcon. Nhiều du khách vừa đi xem triển lãm vừa thăm viếng thành phố thông qua các chương trình của Sở Du lịch. Nhiều người chưa từng biết Mâcon.

© Bảo tàng Ursulines, Mâcon – © Clara Yu, Yu Fine Arts. Nguồn: destination-saone-et-loire.fr

Cám ơn bà Anne Fort và bà Michèle Moyne-Charlet đã tham gia cuộc trò chuyện này!

*Cảm nhận của nhiếp ảnh gia Kim Frederick về triển lãm “Mai Thứ (1906-1980) – Tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ”

Là một người tinh tường và đặc biệt quan tâm nghệ thuật Phương Đông, sau khi đến với triển lãm, nhiếp ảnh gia Kim Frederick bày tỏ cảm nhận và không giấu được nỗi niềm trân quý:

Tôi đã từng xem vài cuộc triển lãm ở Paris về nghệ thuật Việt Nam nhưng chưa bao giờ xem một triển lãm chuyên khảo về một họa sỹ đã khuất. Giới quan tâm đến nghệ thuật Á châu ở Paris như tôi không còn xa lạ trước sự “cuồng nhiệt” mua bán tranh tại các sàn đấu giá, nhưng thực tình, hội họa Việt hiện diện không hề nhiều trong các bảo tàng Paris vì phần nào là bởi các họa phẩm được các nhà sưu tập cá nhân sở hữu. Thế mà, ở triển lãm về Mai Trung Thứ, có những 150 tác phẩm! Một triển lãm được chuẩn bị công phu và được giới thiệu rất đẹp”.

“Người họa sỹ này không chỉ sống xa quê hương mà còn cách xa những trào lưu hội họa tiền phong (avant-garde) đương thời tại Pháp. Nhờ thế ông đã tạo nên một không gian hội họa của riêng mình, độc lập với thời thượng và thời sự. Chủ đề bao trùm là thứ mộng tưởng theo kiểu Shakespeare, các nhân vật phụ nữ thanh tao, dịu dàng, lý tưởng hóa mà vẫn sinh động… Như một thứ dư vị thời Phục hưng. Một sự kiện hiếm hoi như thế này khiến tôi dự cảm sẽ không bao giờ, hoặc phải rất lâu nữa, mới nhìn thấy lại những họa phẩm này vì chúng sẽ được bán đi hoặc treo lại trên bức tường một phòng khách nhà ai đó.”

Nhiếp ảnh gia Kim Frederick

Thực hiện: Thụy Phương

Theo nguồn: https://luxuo.vn

2 bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *